Sử dụng shisha xuất hiện tại Việt Nam vài năm gần đây, nhất là ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.
Theo các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thành phần của shisha rất đa dạng và không có chuẩn mực. Có loại chỉ gồm thuốc lá thô và mật đường lên men; có loại ngoài mật ong, thảo dược còn được pha trộn thêm các phụ gia, hương liệu tạo các hương vị như táo, cam, dâu. Thậm chí shisha còn bị pha trộn với các chất gây nghiện khác.
Hút shisha thuốc lá cũng có thể dẫn đến các bệnh ung thư phổi, họng, thực quản… Ảnh: Media-cache. |
Nhiều người có suy nghĩ shisha là thảo mộc, khi hút lại nhúng qua nước nên tác hại đến sức khỏe không nhiều, cùng lắm như thuốc lào. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng.
Bà Phan Thị Hải, Phó chánh văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, khi hút thuốc, dù là thuốc lá, thuốc lào, hút tẩu hoặc các sản phẩm thuốc lá khác, những người nghiện nicotine đều cần đạt được một ngưỡng nicotine nhất định để đạt được sự sảng khoái.
“Nhiều người tưởng rằng một phần nicotine cũng như các chất gây hại được giữ lại trong nước thì sẽ đỡ nguy hại. Tuy nhiên, chính vì để đạt được ngưỡng nicotine của mình nên khi hút họ sẽ tự động hít sâu hơn, nhiều hơn. Vì vậy, không chỉ nicotine mà tất cả các thành phần độc hại khác trong sản phẩm này sẽ đi sâu vào phổi và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm”, bà Hải nhấn mạnh.
Nhiều người dùng chung ống hút góp phần làm lây lan các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, để tạo sự hấp dẫn, rất nhiều các chất gây nghiện khác, không loại trừ cả các chất cấm như ma túy, được trộn vào shisha, nguy cơ nghiện ma túy từ việc sử dụng shisha là rất lớn.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đang phối hợp chặt chẽ với WHO rà soát, tập hợp các nghiên cứu về shisha để có thêm bằng chứng thuyết phục. Dự kiến từ đó Cục đề xuất Chính phủ đưa shisha vào danh mục cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh. Một phương án nữa là Cục sẽ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đề xuất, sửa đổi khái niệm thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho phù hợp.
Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá cũng đang phối hợp với Đại học Y Hà Nội để khảo sát, đánh giá về thực trạng sử dụng thuốc lá và sản phẩm shisha tại một số thành phố lớn của Việt Nam. Chương trình dự kiến sẽ hoàn thành sớm trong năm 2015.
Trong khi chờ đợi, bà Hải cho rằng cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh loại hình hút shisha, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng shisha để sử dụng ma túy. Nếu các cơ sở không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
“Các bạn trẻ nên tránh xa shisa để bảo vệ bản thân. Các nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe từ việc sử dụng shisha là rất lớn, nó còn là con đường dẫn đến khả năng nghiện ma túy và các chất gây nghiện khác”, bà Hải khuyến cáo.
Nếu thành phần là thuốc lá thì những tác hại của việc hút shisha không kém gì việc hút thuốc lá. Nó cũng gây ung thư họng, phổi, dạ dày, thực quản… Khói shisha độc hại không kém gì khói thuốc lá với những người hít phải. Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa bệnh Mỹ, các nghiên cứu về shisha thuốc lá hay shisha thảo dược cho thấy cả hai chế phẩm này có chứa carbon monoxide và các chất độc hại khác, làm tăng nguy cơ ung thư liên quan đến hút thuốc lá, các bệnh tim, phổi…
Hà An